VIETNAMESE

Ly hôn
Thay đổi người có quyền giám hộ và người có quyền nuôi con
Yêu cầu thay đổi người có quyền giám hộ và người nuôi con
- Dù đã quyết định người có quyền giám hộ và người nuôi con khi ly hôn, nhưng sau đó có thể thay đổi người có quyền giám hộ và người nuôi con khi cần thiết để đảm bảo phúc lợi của con cái (Khoản 5 Điều 837, Điều 843 và Khoản 6 Điều 909 Luật Dân sự).
- Người có quyền giám hộ có thể thay đổi bằng cách yêu cầu thay đổi chỉ định tại Tòa án Gia đình, thay đổi người nuôi con có thể quyết định thông qua thỏa thuận giữa các đương sự sau khi ly hôn, nếu không đi đến thỏa thuận thì có thể thay đổi bằng cách yêu cầu thay đổi chỉ định tại Tòa án Gia đình [Mục 3 và Mục 5 Điểm 2(b) Khoản 1 Điều 2 Luật Tố tụng gia đình)].
Người có quyền yêu cầu
- Cha, mẹ, con cái và công tố viên có thể yêu cầu Tòa án Gia đình thay đổi người nuôi con và Tòa án Gia đình có thể thay đổi điều đó theo thẩm quyền của mình (Khoản 5 Điều 837 và Điều 843 Luật Dân sự).
- Tuy nhiên, họ hàng ruột thịt trong vòng 4 đời của con cái có thể yêu cầu thay đổi quyền giám hộ (Khoản 6 Điều 909 Luật Dân sự).
Tiêu chuẩn nhận định khi xét xử thay đổi người có quyền giám hộ và người nuôi con
- Tòa án Gia đình xem xét các yếu tố như độ tuổi của con cái, tình hình tài sản của cha mẹ và các vấn đề khác để quyết định có thay đổi người có quyền giám hộ và người nuôi con hay không (Phán quyết số Ja 98 Meu 17, 18 của Tòa án tối cao ngày 10.07.1998).
- Đặc biệt, nếu con cái từ 13 tuổi trở lên thì phải thuận theo ý kiến của người con, trong trường hợp nhận thấy việc thuận theo ý kiến của người con gây ảnh hưởng xấu tới phúc lợi của con cái thì có thể không thuận theo ý kiến của người con (Điều 100 Luật Tố tụng gia đình).
Khai báo thay đổi người có quyền giám hộ
- Nếu phiên tòa xét xử thay đổi người có quyền giám hộ được xác nhận, người yêu cầu xét xử, người có quyền giám hộ ở phiên tòa đó hoặc người được chỉ định làm người thay thế thực hiện nhiệm vụ đó phải mang bản phán quyết và giấy chứng nhận đến khai báo thay đổi người có quyền giám hộ tại văn phòng Thị chính, quận, thị trấn hoặc xã nơi đăng ký cư trú trong vòng 1 tháng kể từ ngày có xác nhận của phiên tòa (Điều 58 và Điểm 1 Khoản 2 Điều 79 Luật pháp Liên quan đến đăng ký quan hệ gia đình ).