VIETNAMESE

Ly hôn
Bồi thường thiệt hại và phân chia tài sản khi ly hôn
Ly hôn và bồi thường thiệt hại
- Nếu vợ chồng ly hôn, một trong hai người có thể yêu cầu đối phương, người chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ hôn nhân, bồi thường thiệt hại. Thiệt hại bao gồm thiệt hại về tài sản và thiệt hại về tinh thần (Điều 806 và Điều 843 Luật Dân sự).
※ Các án lệ cho rằng trách nhiệm đối với sự đổ vỡ của một cuộc hôn nhân phải được đánh giá dựa trên những thực tế gây ra sự đổ vỡ chứ không nên đánh giá dựa trên những gì đã xảy ra sau khi quan hệ hôn nhân đã hoàn toàn đổ vỡ (Phán quyết số 2003 Meu 1890 của Tòa án tối cao ngày 27.02.2004).
- Đặc biệt, khi tính toán mức bồi thường thiệt hại về tinh thần, tức là tiền bồi thường, cũng cần cân nhắc các vấn đề như nguyên nhân và mức độ trách nhiệm dẫn đến đổ vỡ hôn nhân, tình trạng tài sản, thời gian hôn nhân và hoàn cảnh sống, các vấn đề thân phận, địa vị như học vấn, nghề nghiệp, và tuổi tác, mối quan hệ nuôi con, v.v. (Phán quyết số 80 Meu 100 của Tòa án tối cao ngày 13.10.1981), và nếu nguyên nhân dẫn đến hôn nhân tan vỡ là do cả hai vợ chồng thì số tiền bồi thường được xác định theo mức độ nỗi đau tinh thần mà cả hai vợ chồng phải gánh chịu, tức là theo tỷ lệ trách nhiệm hành vi tội lỗi (Phán quyết số 93 Meu 1273, 1280 của Tòa án tối cao, ngày 26.04.1994).
※ Thông tin chi tiết liên quan đến yêu cầu bồi thường có thể được tìm thấy trong <Vấn đề tài sản – Tiền bồi thường> của nội dung này.
Ly hôn và phân chia tài sản
- Khi ly hôn, vợ chồng chia tài sản chung, tạo dựng trong thời kỳ hôn nhân. Lúc này, bất kể quyền sở hữu tài sản đứng tên bên nào thì bên kia vẫn có thể yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng (Khoản 2 Điều 830 và Điều 839.2 Luật Dân sự). Tài sản chung được hình thành từ vợ chồng có thể bao gồm bất động sản có được nhờ sự đóng góp của hai vợ chồng, tiền gửi tiết kiệm vì cuộc sống chung của hai vợ chồng và đồ gia dụng phục vụ cuộc sống chung của hai vợ chồng v.v.
- Tỷ lệ phân chia tài sản có thể được xác định theo thỏa thuận của vợ chồng, nếu không đạt được thỏa thuận thì Tòa án sẽ xác định phần tỷ lệ sau khi cân nhắc đến các vấn đề như mức độ đóng góp để hình thành tài sản, nguyên nhân và mức độ trách nhiệm dẫn đến hôn nhân tan vỡ, thời hạn hôn nhân và mức sinh hoạt, vai trò địa vị như học lực, nghề nghiệp, độ tuổi, quan hệ nuôi dưỡng con cái, tiền bồi thường v.v. (Phán quyết số 96 Meu 1434 của Tòa án tối cao ngày 10.04.1998, Phán quyết số 97 Meuu 1486, 1493 của Tòa án tối cao ngày 13.02.1998, Phán quyết số 92 Meu 501 của Tòa án tối cao ngày 25.05.1993 v.v.).
※ Thông tin chi tiết liên quan đến yêu cầu phân chia tài sản có thể được tìm thấy trong <Vấn đề tài sản – Phân chia tài sản> của nội dung này.