VIETNAMESE

Giao thông/Lái xe
Nghĩa vụ tuân thủ theo sự kiểm tra của cảnh sát
Nghĩa vụ tuân thủ việc đo lường nồng độ rượu
- Khi xét thấy cần thiết để đảm bảo an toàn giao thông và ngăn ngừa nguy hiểm hoặc khi có lý do chính đáng để tin rằng người điều khiển các loại xe đã lái xe trong tình trạng say rượu, cảnh sát có thể kiểm tra hơi thở để xác định xem người lái xe có bị say rượu hay không. Trong trường hợp này, người lái xe phải chấp hành việc đo lường của cảnh sát (Khoản 2 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ).
※ Giấy phép lái xe sẽ bị hủy khi lái xe trong tình trạng say rượu hoặc khi không tuân thủ yêu cầu đo lường của cảnh sát mặc dù có lý do chính đáng để tin rằng người lái xe đã lái xe trong tình trạng say rượu (Điều 91 và Điểm 2 2. 3 Bảng 28 đính kèm Quy tắc thi hành Luật Giao thông đường bộ).
※ Trường hợp người có lý do chính đáng để được tin rằng đã lái xe trong tình trạng say rượu không chấp hành việc đo lường của cảnh sát sẽ bị xử lý phạt tù từ 1 đến 5 năm hoặc phạt tiền từ 5 triệu won đến 20 triệu won (Khoản 2 Điều 148.2 Luật Giao thông đường bộ).
※ Người đã bị kết án phạt tiền hoặc nặng hơn do không tuân thủ việc đo lường của cảnh sát trong quy định trên và tái phạm trong vòng 10 năm kể từ ngày nhận bản án xử phạt đó sẽ bị xử phạt tù từ 1 đến 6 năm hoặc phạt tiền từ 5 triệu won đến 30 triệu won (Điểm 1 Khoản 1 Điều 148.2 Luật Giao thông đường bộ).
※ Trường hợp đã bị hủy giấy phép lái xe do vi phạm nghĩa vụ tuân theo sự đo lường của cảnh sát trong quy định trên từ 3 lần trở lên, không được cấp giấy phép lái xe nếu chưa quá 2 năm kể từ ngày bị hủy giấy phép lái xe. Tuy nhiên, đối với trường hợp xác nhận mức án được phán quyết thấp hơn mức phạt tiền hoặc được xác nhận hưởng án treo, hoặc hoãn việc khởi tố, hay nhận quyết định xử lý bảo vệ theo Điều 32 Luật Vị thành niên, có thể nhận giấy phép lái xe ngay cả trong thời hạn trên (Điểm 6 Khoản 2 Điều 82 Luật Giao thông đường bộ).
- Đối với trường hợp người lái xe không phục kết quả đo lường trên, có thể đo lường lại bằng cách lấy máu v.v. sau khi nhận được sự đồng ý từ người lái xe đó (Khoản 3 Điều 44 Luật Giao thông đường bộ).
Kiểm tra xử lý xe kém bảo dưỡng
- Trường hợp xe đang lưu thông là xe kém bảo dưỡng, trước tiên cảnh sát sẽ yêu cầu dừng xe, sau đó yêu cầu người điều khiển phương tiện xuất trình đăng ký xe hoặc bằng lái xe và tiến hành kiểm tra các trang bị của xe (Khoản 1 Điều 41 Luật Giao thông đường bộ).
- Trường hợp phát hiện lỗi bảo dưỡng sau quá trình kiểm tra, cảnh sát sẽ yêu cầu người điều khiển phương tiện đó thực hiện các biện pháp khẩn cấp tùy theo mức độ của lỗi bảo dưỡng, sau đó để cho người đó tiếp tục điều khiển hoặc xem xét tình hình giao thông và đường bộ để quy định các điều kiện cần thiết nhằm ngăn ngừa nguy hiểm trên chặng đường hoặc tuyến đường lưu thông, sau đó có thể cho phép người điều khiển phương tiện đó tiếp tục điều khiển theo các yêu cầu cảnh sát đã quy định (Khoản 2 Điều 41 Luật Giao thông đường bộ).
- Ngoài trường hợp trên, nếu xe có nguy cơ xảy ra nguy hiểm do trạng thái bảo dưỡng quá kém, giám đốc sở cảnh sát tỉnh, thành phố có thể ban lệnh giữ lại giấy đăng ký xe và tạm đình chỉ việc lái xe. Trong trường hợp này, nếu cần thiết, việc sử dụng xe có thể bị đình chỉ bằng cách ấn định thời gian bảo dưỡng trong vòng 10 ngày (Khoản 3 Điều 41 Luật Giao thông đường bộ).
※ Người không tuân thủ, từ chối hoặc cản trở thực hiện theo yêu cầu, biện pháp xử lý hoặc mệnh lệnh của cảnh sát sẽ bị phạt tù tối đa 6 tháng hoặc phạt tiền tối đa 2 triệu won hoặc bị tạm giam (Điểm 2 Khoản 1 Điều 153 Luật Giao thông đường bộ).