VIETNAMESE

Visa – Hộ chiếu
Trường hợp người nước ngoài muốn tiếp tục lưu trú vượt quá thời hạn lưu trú, phải được cấp phép gia hạn visa.
Cấp phép gia hạn visa
- Nếu người nước ngoài muốn tiếp tục lưu trú vượt quá thời hạn lưu trú, người đó phải được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp phép gia hạn visa trước khi thời hạn lưu trú kết thúc (Khoản 1 Điều 25 Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
※ Thuật ngữ “gia hạn visa” thường được sử dụng có ý nghĩa tương đương với thuật ngữ “gia hạn thời hạn lưu trú” trong Luật Quản lý xuất nhập cảnh. Nội dung này chủ yếu sẽ sử dụng thuật ngữ được sử dụng phổ biến hơn trong đời sống thường ngày là “gia hạn visa”.
Cách nộp đơn
- Việc nộp đơn xin cấp phép gia hạn visa phải do chính người muốn xin gia hạn trực tiếp nộp. Tuy nhiên, trong trường hợp người muốn xin gia hạn dưới 17 tuổi và không tự mình đi nộp đơn thì cha mẹ, người nuôi dưỡng trên thực tế, anh chị em, người bảo lãnh hoặc người khác đang cùng chung sống trở thành người có nghĩa vụ nộp đơn và phải nộp đơn xin cấp phép gia hạn visa (Điểm 4 Điều 79 Luật Quản lý xuất nhập cảnh, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 89 Nghị định thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Người muốn được cấp phép gia hạn visa phải đính kèm giấy tờ được quy định theo từng tư cách lưu trú vào đơn xin cấp phép gia hạn thời hạn lưu trú cho giám đốc, trưởng phòng, trưởng chi nhánh trước khi kết thúc thời hạn lưu trú (Khoản 1 Điều 31 Nghị định thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
Đặt lịch hẹn trực tuyến
- Để nộp đơn xin gia hạn visa, người nộp đơn phải đặt lịch hẹn qua hình thức trực tuyến tại cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, chi nhánh cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài hoặc chi nhánh văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài mà mình cần đến. Tuy nhiên, người nước ngoài là phụ nữ mang thai, người khuyết tật v.v. theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể không cần phải đặt lịch hẹn trực tuyến (Tham khảo Điểm 5 Điều 34.2 Nghị định thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
※ Việc đặt lịch hẹn trực tuyến để nộp đơn xin gia hạn visa có thể được thực hiện tại <Trang web Hi Korea>.
Thanh toán lệ phí
- Trường hợp nộp đơn xin cấp phép gia hạn visa, người nộp đơn phải thanh toán lệ phí là 60.000 won. Tuy nhiên, trường hợp người nộp đơn là người có visa Kết hôn (F-6), lệ phí cần phải thanh toán là 30.000 won (Tham khảo Điểm 6 Điều 72 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Không mất phí khi nộp đơn xin cấp phép gia hạn visa với một trong những lý do sau (Điểm 8 Điều 2 Luật Quản lý xuất nhập cảnh, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 32 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
· Trường hợp là người đã đăng ký người nước ngoài muốn lưu trú tạm thời với mục đích du lịch Hàn Quốc v.v. sau khi hoàn thành các hoạt động của tư cách lưu trú
· Trường hợp không thể xuất cảnh do không có tàu thuyền, máy bay, tàu hỏa, xe ô tô, các phương tiện giao thông khác (sau đây gọi là “các loại tàu xe”) để xuất cảnh hoặc vì lý do bất khả kháng khác
Giới hạn tối đa của việc gia hạn visa
- Trường hợp cấp phép gia hạn visa, giới hạn tối đa của thời hạn lưu trú đã được quy định sẵn (Tham khảo Khoản 1 Điều 37 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Trường hợp cấp phép gia hạn visa cho người có visa Lao động thời vụ (E-8), thời hạn lưu trú của người đó không thể vượt quá 8 tháng liên tục (Tham khảo Khoản 2 Điều 37 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Trường hợp cấp phép gia hạn visa cho người có visa Lao động có tay nghề (H-2), thời hạn lưu trú của người đó không thể vượt quá 3 năm liên tục. Tuy nhiên, đối với người đáp ứng được điều kiện do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định, trong đó có sự đề cử của người sử dụng lao động v.v., thời hạn lưu trú của người đó có thể được cấp phép gia hạn trong phạm vi không vượt quá 5 năm liên tục (Khoản 3 Điều 37 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Người đang lưu trú với visa Lao động có tay nghề (H-2) với tư cách là cha, mẹ hoặc vợ, chồng của người có visa Du học (D-2) không thể lưu trú vượt quá thời hạn lưu trú của người có visa Du học (D-2) (Tham khảo Khoản 4 Điều 37 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).