VIETNAMESE

Visa – Hộ chiếu
Người nước ngoài không cần phải xin cấp visa trong trường hợp nhập cảnh với mục đích du lịch/quá cảnh, đến thăm hoặc các mục đích khác tương tự.
Chế độ nhập cảnh không cần visa theo chỉ định
- Hàn Quốc chỉ định riêng các quốc gia được cho phép nhập cảnh không cần visa sau khi xem xét toàn diện thông lệ quốc tế, nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, lợi ích quốc gia v.v. (Tham khảo trang web Hi Korea-Hướng dẫn xuất nhập cảnh/Lưu trú-Thẩm định hồ sơ xuất nhập cảnh-Thẩm định hồ sơ xuất nhập cảnh của người nước ngoài-Người nước ngoài nhập cảnh không cần visa).
- Do đó, người nhập cảnh vì tình hữu nghị quốc tế, du lịch hoặc vì lợi ích của Hàn Quốc hoặc vì lý do khác có thể nhập cảnh vào Hàn Quốc không cần visa khi thuộc một trong những trường hợp sau (Điểm 3 Khoản 2 Điều 7 Luật Quản lý xuất nhập cảnh, Khoản 1 Điều 8 Nghị định thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh và Khoản 2 Điều 15 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
1. Người muốn nhập cảnh không cần visa vì lý do không thể tránh khỏi với tư cách là người thực hiện nhiệm vụ cho chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế
2. Người muốn nhập cảnh với mục đích du lịch hoặc quá cảnh Hàn Quốc trong thời hạn 30 ngày
3. Người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận rằng cần phải nhập cảnh vì lợi ích của Hàn Quốc hoặc vì lý do khác
※ Danh sách các quốc gia được phép nhập cảnh không cần visa có thể được kiểm tra tại (Trang web Hi Korea-Hướng dẫn xuất nhập cảnh/Lưu trú-Thẩm định hồ sơ xuất nhập cảnh-Thẩm định hồ sơ xuất nhập cảnh của người nước ngoài-Người nước ngoài nhập cảnh không cần visa).
Điều kiện nhập cảnh của người muốn nhập cảnh không cần visa vì lý do không thể tránh khỏi với tư cách là người thực hiện nhiệm vụ cho chính phủ nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế
- Trường hợp người thuộc trường hợp trên nộp đơn xin cấp phép nhập cảnh, phải đính kèm giấy tờ căn cứ theo tư cách lưu trú tại Bảng 1 đính kèm Nghị định thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh (Điều 10 Luật Quản lý xuất nhập cảnh, Điểm 2 Khoản 1 Điều 76 và Bảng 5 đính kèm Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Khi người thuộc trường hợp trên được cấp phép nhập cảnh, người đó sẽ được đóng dấu đã kiểm tra nhập cảnh trên hộ chiếu hoặc nhận được giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh. Trên con dấu đã kiểm tra nhập cảnh và giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh sẽ thể hiện nội dung thời hạn lưu trú và tư cách lưu trú tương ứng với người có visa Ngoại giao (A-1), Công vụ (A-2), Hiệp định (A-3) (Khoản 2 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
Điều kiện nhập cảnh của người muốn nhập cảnh với mục đích du lịch hoặc quá cảnh Hàn Quốc trong thời hạn 30 ngày
- Khi người thuộc trường hợp trên được cấp phép nhập cảnh, người đó sẽ được đóng dấu đã kiểm tra nhập cảnh trên hộ chiếu hoặc nhận được giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh. Khi đó, trên con dấu đã kiểm tra nhập cảnh và giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh sẽ thể hiện nội dung tư cách lưu trú là Du lịch/quá cảnh (B-2) và thời hạn lưu trú trong phạm vi 30 ngày. Nếu Bộ trưởng Bộ Tư pháp có quy định riêng về thời hạn lưu trú sau khi xem xét thông lệ quốc tế, nguyên tắc đôi bên cùng có lợi, vì lợi ích của Hàn Quốc hoặc vì lý do khác, thời hạn lưu trú theo quy định đó sẽ được áp dụng (Khoản 2 Điều 15 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Người được cấp phép nhập cảnh thuộc trường hợp trên không thể thay đổi tư cách lưu trú hoặc gia hạn tư cách lưu trú. Tuy nhiên, trường hợp được công nhận có lý do bất khả kháng, có thể thay đổi tư cách lưu trú còn việc gia hạn tư cách lưu trú chỉ có thể thực hiện trong phạm vi không quá 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh (Khoản 3 và Khoản 4 Điều 15 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
Điều kiện nhập cảnh của người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận rằng cần phải nhập cảnh vì lợi ích của Hàn Quốc hoặc vì lý do khác
- Đối với người thuộc trường hợp trên, giám đốc, trưởng phòng, trưởng chi nhánh có thể cấp phép nhập cảnh sau khi được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt (Nội dung chính Khoản 3 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Tuy nhiên, đối với người thuộc một trong những trường hợp sau, giám đốc, trưởng phòng hoặc trưởng chi nhánh có thể cấp phép nhập cảnh mà không cần phải có sự phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong phạm vi 90 ngày của thời hạn lưu trú (Quy định Khoản 3 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
1. Người có tư cách lưu trú Đến thăm ngắn hạn (C-3)
2. Người dưới 17 tuổi hoặc từ 61 tuổi trở lên có tư cách lưu trú Thăm thân (F-1)
3. Người dưới 17 tuổi có tư cách lưu trú Phụ thuộc (F-3)
※ Người có giấy chứng nhận do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định có thể được nhân viên quản lý xuất nhập cảnh cấp phép nhập cảnh trong phạm vi 90 ngày của thời hạn lưu trú (Khoản 6 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
- Để cấp phép nhập cảnh theo quy định trên, giám đốc, trưởng phòng hoặc trưởng chi nhánh phải nhận các giấy tờ sau để kiểm tra tính chân thực của nội dung kê khai hoặc của nội dung các giấy tờ đã nộp, v.v. của người nộp đơn (Khoản 4 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).
1. Đơn xin cấp phép nhập cảnh
2. Giấy tờ chứng minh hoặc giấy giải trình lý do bất khả kháng khi không có visa hợp lệ
3. Giấy tờ đính kèm theo từng tư cách lưu trú
※ Chi tiết về các giấy tờ đính kèm theo từng tư cách lưu trú có thể được kiểm tra tại Bảng 5 đính kèm Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh.
- Khi được cấp phép nhập cảnh, người được cấp phép sẽ được đóng dấu đã kiểm tra nhập cảnh lên hộ chiếu hoặc được cấp giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh. Khi đó, trên con dấu đã kiểm tra nhập cảnh và giấy xác nhận đã kiểm tra nhập cảnh sẽ thể hiện nội dung thời hạn lưu trú và tư cách lưu trú đã được cấp phép (Tham khảo Khoản 5 Điều 14 Quy tắc thi hành Luật Quản lý xuất nhập cảnh).