VIETNAMESE

Quốc tịch
Nếu công dân Hàn Quốc có được quốc tịch nước ngoài, người đó sẽ mất quốc tịch Hàn Quốc.
Mất quốc tịch
- Công dân Hàn Quốc tự nguyện có quốc tịch nước ngoài sẽ mất quốc tịch Hàn Quốc khi người đó có được quốc tịch nước ngoài (Khoản 1 Điều 15 Luật Quốc tịch).
Cách khai báo
- Người bị mất quốc tịch có thể trực tiếp khai báo, vợ hoặc chồng, hoặc người thân trong phạm vi 4 đời có thể khai báo thay cho người đó. Khi khai báo thay, người đại diện khai báo phải điền họ tên và địa chỉ của người đại diện lên tờ khai báo và đính kèm các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người được khai báo thay (Điều 19 Luật Quốc tịch và Điều 25.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
Giấy tờ cần nộp
- Người bị mất quốc tịch Hàn Quốc (trừ người đã khai báo thôi quốc tịch) phải khai báo việc mất quốc tịch cho người đứng đầu cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, người đứng đầu văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, người đứng đầu chi nhánh cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài hoặc người đứng đầu chi nhánh văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài (sau đây gọi là “người đứng đầu các cấp”) (Khoản 1 Điều 16, Điều 25 Luật Quốc tịch và Điểm 7 Điều 29 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Giấy tờ cần nộp khi khai báo mất quốc tịch như sau (Điều 19 Luật Quốc tịch, Khoản 1 Điều 20 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch, Điều 14 và mẫu số 10 đính kèm Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).

Giấy tờ cần nộp  

▪Tờ khai mất quốc tịch  

▪Giấy tờ chứng minh hồ sơ quan hệ gia đình 

▪Giấy tờ chứng minh lý do và ngày tháng mất quốc tịch (hoặc giấy tờ chứng minh lý do và ngày tháng có được quốc tịch nước ngoài trong trường hợp có được quốc tịch nước ngoài) và bản sao hộ chiếu nước ngoài  

※ Trong số những người mất quốc tịch Hàn Quốc do có được quốc tịch nước ngoài, người không thể nộp giấy tờ chứng minh ngày tháng có được quốc tịch nước ngoài có thể nộp bản sao hộ chiếu của nước ngoài đó thay cho các giấy tờ trên 

※ Nếu các giấy tờ cần nộp liên quan đến việc khai báo trên được viết bằng tiếng nước ngoài, phải đính kèm bản dịch, đồng thời phải ghi tên và thông tin liên hệ của người dịch trên bản dịch đó (Điều 16 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
- Nếu người muốn khai báo mất quốc tịch có địa chỉ ở nước ngoài, giấy tờ khai báo cũng có thể được nộp cho người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao (đại sứ quán, văn phòng đại diện và tổng lãnh sự quán) có thẩm quyền ở địa chỉ đó (Điều 2 Luật Thiết lập cơ quan đại diện ngoại giao Hàn Quốc và Điểm 8 Khoản 1 Điều 25 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
※ Các giấy tờ chi tiết cần để khai báo mất quốc tịch có thể được kiểm tra tại <Trang web Hi Korea>.
Thời gian mất quốc tịch
- Công dân Hàn Quốc tự nguyện có quốc tịch nước ngoài sẽ mất quốc tịch Hàn Quốc khi người đó có được quốc tịch nước ngoài (Khoản 1 Điều 15 Luật Quốc tịch).
- Công dân Hàn Quốc thuộc một trong những trường hợp sau không khai báo về ý muốn giữ quốc tịch Hàn Quốc với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong vòng 6 tháng kể từ khi có được quốc tịch nước ngoài, coi như sẽ bị hồi tố mất quốc tịch Hàn Quốc ngay khi có được quốc tịch nước ngoài đó (Khoản 2 Điều 15 Luật Quốc tịch).
· Người có được quốc tịch của vợ hoặc chồng qua việc kết hôn với người nước ngoài
· Người được người nước ngoài nhận làm con nuôi và có được quốc tịch của cha nuôi hoặc mẹ nuôi
· Người được cha hoặc mẹ là người nước ngoài công nhận và được nhập quốc tịch của cha hoặc mẹ đó
· Người có được quốc tịch nước ngoài theo luật pháp của nước ngoài đó với tư cách là vợ hoặc chồng hoặc con vị thành niên của người đã mất quốc tịch Hàn Quốc do có quốc tịch nước ngoài
- Đối với người mất quốc tịch Hàn Quốc do có được quốc tịch nước ngoài, nếu không thể xác định được ngày có được quốc tịch nước ngoài đó, sẽ được coi là quốc tịch nước ngoài đã có được vào ngày đầu tiên cấp hộ chiếu nước ngoài mà người đó sử dụng (Khoản 3 Điều 15 Luật Quốc tịch).
Mất quyền công dân Hàn Quốc và nghĩa vụ chuyển giao
- Người mất quốc tịch Hàn Quốc không được hưởng các quyền lợi mà chỉ công dân Hàn Quốc mới được hưởng kể từ khi mất quốc tịch (Khoản 1 Điều 18 Luật Quốc tịch).
- Trong số các quyền mà chỉ công dân Hàn Quốc mới được hưởng, quyền có được khi còn là công dân Hàn Quốc và có thể chuyển giao phải được chuyển giao cho công dân Hàn Quốc trong vòng 3 năm, trừ khi quyền đó không có quy định riêng nào khác tại các luật liên quan (Khoản 2 Điều 18 Luật Quốc tịch).