VIETNAMESE

Quốc tịch
Thủ tục cấp phép nhập quốc tịch như sau.
Cách nộp đơn
- Việc nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch phải do chính người muốn nhập quốc tịch thực hiện (Nội dung chính Khoản 1 Điều 25.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Trường hợp người muốn xin cấp phép nhập quốc tịch dưới 15 tuổi, người đại diện pháp lý có thể nộp đơn thay. Khi người đại diện pháp lý nộp đơn thay, phải điền họ tên và địa chỉ của người đại diện lên tờ đơn và đính kèm các giấy tờ chứng minh mối quan hệ với người được nộp đơn thay (Điều 19 Luật Quốc tịch và Khoản 2 Điều 25.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
Giấy tờ cần nộp
- Người nước ngoài muốn được giấy phép nhập quốc tịch phải nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch và các tài liệu đính kèm (sau đây gọi là “hồ sơ xin cấp phép”) cho người đứng đầu cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, người đứng đầu văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài, người đứng đầu chi nhánh cục xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài hoặc người đứng đầu chi nhánh văn phòng xuất nhập cảnh, quản lý người nước ngoài (sau đây gọi là “người đứng đầu các cấp”)(Tham khảo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 3 và mẫu số 2 đính kèm Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
※ Nếu các giấy tờ cần nộp liên quan đến việc nộp đơn xin cấp phép trên được viết bằng tiếng nước ngoài, phải đính kèm bản dịch, đồng thời phải ghi tên và thông tin liên hệ của người dịch trên bản dịch đó (Điều 16 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
※ Các giấy tờ chi tiết cần thiết cho việc nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch có thể được kiểm tra tại <Trang web Hi Korea> hoặc có thể liên hệ Trung tâm tư vấn tổng hợp dành cho người nước ngoài (☎1345).
Lệ phí
- Khi nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch, lệ phí phải trả là 300.000 won/người (Tuy nhiên, không tính cho người được cùng nhập quốc tịch) (Khoản 1 Điều 24 Luật Quốc tịch và Điểm 1 Khoản 1 Điều 18 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
※ Lệ phí được thanh toán bằng tem thuế của chính phủ tương ứng với số tiền (Khoản 3 Điều 24 Luật Quốc tịch và nội dung chính Khoản 2 Điều 18 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
- Trong số những người nộp đơn xin nhập quốc tịch đặc biệt, người có công đặc biệt với Hàn Quốc, người có năng lực vượt trội trong các lĩnh vực cụ thể như khoa học, kinh tế, văn hóa, thể thao v.v. và người được công nhận là có đóng góp cho lợi ích quốc gia của Hàn Quốc được miễn thanh toán lệ phí (Khoản 3 Điều 24 Luật Quốc tịch và Điểm 1, Điểm 2 Khoản 3 Điều 18 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
- Trường hợp khác được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận việc miễn lệ phí là cần thiết vì lý do nhân đạo v.v., có thể miễn lệ phí (Khoản 3 Điều 24 Luật Quốc tịch và Điểm 4 Khoản 3 Điều 18 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
Đánh giá toàn diện và đánh giá phỏng vấn
- Đối với người nộp đơn xin giấy phép nhập quốc tịch, việc đánh giá toàn diện qua chương trình hòa nhập xã hội (sau đây gọi là “đánh giá toàn diện”) và xem xét phỏng vấn (sau đây gọi là “xem xét phỏng vấn”) được tiến hành để xem xét các điều kiện nhập quốc tịch (Nội dung chính Khoản 1 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Các đối tượng sau được miễn đánh giá toàn diện qua chương trình hòa nhập xã hội (Quy định Khoản 1 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch và Khoản 1 Điều 4 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).

Đối tượng được miễn đánh giá toàn diện  

▪Trẻ vị thành niên  

▪Người từ 60 tuổi trở lên  

▪Trong số những người nộp đơn xin nhập quốc tịch đặc biệt, người có công đặc biệt với Hàn Quốc, người có năng lực vượt trội trong các lĩnh vực cụ thể như khoa học, kinh tế, văn hóa, thể thao v.v. và người được công nhận là có đóng góp cho lợi ích quốc gia của Hàn Quốc  

▪Người đã hoàn thành chương trình hòa nhập xã hội  

▪Người đạt từ 60/100 điểm trở lên về đánh giá toàn diện trong vòng 3 năm gần nhất tính đến ngày nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch 

▪Người có lý do đặc biệt và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận  

- Các đối tượng sau được miễn đánh giá phỏng vấn (Quy định Khoản 1 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch và Khoản 3 Điều 4 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).

Đối tượng được miễn đánh giá phỏng vấn 

▪Người từ 60 tuổi trở lên là vợ hoặc chồng của người đã khôi phục quốc tịch 

▪Người dưới 15 tuổi tại thời điểm nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch 

▪Người đạt từ 60/100 điểm trở lên về đánh giá toàn diện trong số những người đã hoàn thành chương trình hòa nhập xã hội  

▪Người có lý do đặc biệt và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận  

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể không tiến hành đánh giá toàn diện và đánh giá phỏng vấn người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch được công nhận là không thể đáp ứng các điều kiện để nhập quốc tịch từ kết quả kiểm tra, điều tra, xác nhận khi xem xét điều kiện nhập quốc tịch hoặc từ kết quả xem xét hồ sơ xin cấp phép (Khoản 2 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch phải tham gia đánh giá toàn diện trong vòng 1 năm kể từ ngày nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch. Tuy nhiên, điều này không áp dụng trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Tư pháp miễn đánh giá toàn diện hoặc quyết định không tiến hành đánh giá toàn diện vì công nhận rằng người đó không thể đáp ứng các điều kiện để nhập quốc tịch (Khoản 3 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Trong quá trình đánh giá phỏng vấn, đánh giá các yêu cầu cơ bản cần phải có với tư cách là công dân Hàn Quốc như trình độ tiếng Hàn, tác phong của một công dân Hàn Quốc và niềm tin vào trật tự dân chủ tự do cơ bản v.v. (Khoản 4 Điều 4.2 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch và Khoản 4 Điều 4 Quy tắc thi hành Luật Quốc tịch).
Xem xét điều kiện nhập quốc tịch
- Trường hợp cần thiết để xem xét các điều kiện nhập quốc tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể yêu cầu người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch đến trình diện để trình bày ý kiến hoặc yêu cầu nộp các tài liệu liên quan, đồng thời tiến hành điều tra thực tế nơi cư trú của người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch v.v. để xác định việc có đáp ứng điều kiện nhập quốc tịch hay không (Khoản 1 Điều 4 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Khi xem xét các điều kiện nhập quốc tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có thể yêu cầu người đứng đầu các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra danh tính, kiểm tra lý lịch tư pháp và điều tra xu hướng lưu trú của người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch hoặc lấy ý kiến về các vấn đề cần thiết khác (Khoản 2 Điều 4 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
Tuyên thệ nhập quốc tịch và trao giấy chứng nhận quốc tịch
- Trường hợp cấp phép nhập quốc tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải chỉ định ngày giờ và địa điểm làm lễ tuyên thệ nhập quốc tịch và cấp giấy chứng nhận nhập quốc tịch, đồng thời thông báo ngày giờ và địa điểm đã được chỉ định đó cho người đã được cấp phép nhập quốc tịch đến tham dự (Khoản 1 Điều 4.4. Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
※ Nội dung tuyên thệ nhập quốc tịch là “Với tư cách là một công dân của Hàn Quốc đầy tự hào, tôi xin tuyên thệ rằng tôi sẽ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Hàn Quốc cũng như hoàn thành trách nhiệm và nghĩa vụ của một công dân”. (Khoản 1 Điều 4.5 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Trường hợp người đã được thông báo không thể tham dự theo ngày giờ và địa điểm đã chỉ định vì những lý do bất khả kháng như ốm đau, tai nạn v.v., người đó phải nộp văn bản ghi lý do không thể tham dự cùng với ngày giờ có thể tham dự (sau đây gọi là “Đơn giải trình lý do không thể tham dự”) và nộp cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp đến trước ngày đã được chỉ định (Khoản 2 Điều 4.4 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải chỉ định ngày giờ và địa điểm mới để làm lễ tuyên thệ và cấp giấy chứng nhận nhập quốc tịch trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp đơn giải trình lý do không thể tham dự và thông báo lần nữa cho người đã được cấp phép nhập quốc tịch về ngày giờ và địa điểm được chỉ định đó (Khoản 3 Điều 4.4. Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
- Người thuộc một trong những trường hợp sau được miễn tuyên thệ nhập quốc tịch (Khoản 2 Điều 4.5 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).

Đối tượng được miễn tuyên thệ nhập quốc tịch 

1.Người dưới 15 tuổi tại thời điểm tuyên thệ nhập quốc tịch  

2. Người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là một trong số những người bị khuyết tật do tổn thương não, thiểu năng trí tuệ hoặc rối loạn phổ tự kỷ 

3. Người được Bộ trưởng Bộ Tư pháp công nhận là trường hợp khác tương tự với trường hợp ở mục 2 

Công báo chính thức và thông báo
- Khi người nộp đơn xin cấp phép nhập quốc tịch được nhập quốc tịch, Bộ trưởng Bộ Tư pháp phải thông báo ngay cho người đứng đầu cơ quan đăng ký quan hệ gia đình nơi đăng ký thường trú, đồng thời công bố chính thức trên công báo (Điều 5 Nghị định thi hành Luật Quốc tịch).
Từ bỏ quốc tịch nước ngoài hoặc cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài
- Người nước ngoài đã có được quốc tịch Hàn Quốc và đang giữ quốc tịch nước ngoài phải từ bỏ quốc tịch nước ngoài đó trong vòng 1 năm kể từ ngày có được quốc tịch Hàn Quốc hoặc cam kết với Bộ trưởng Bộ Tư pháp rằng mình sẽ không sử dụng quốc tịch nước ngoài tại Hàn Quốc (sau đây gọi là “cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài”) (Tham khảo Khoản 1, Khoản 2 Điều 10 Luật Quốc tịch).
- Theo quy định trên, người không từ bỏ quốc tịch nước ngoài hoặc không thực hiện cam kết không sử dụng quốc tịch nước ngoài trong vòng 1 năm sẽ bị mất quốc tịch Hàn Quốc khi hết thời hạn đó (Khoản 3 Điều 10 Luật Quốc tịch).