VIETNAMESE

Tiền cấp dưỡng nuôi con
Quyết định mức cấp dưỡng nuôi con
Quyết định mức cấp dưỡng nuôi con theo thỏa thuận của cha mẹ
- Trong trường hợp cha mẹ ly hôn, hủy kết hôn hoặc xác nhận con, các bên liên quan có thể thỏa thuận để quyết định về trách nhiệm chịu tiền cấp dưỡng nuôi con (Khoản 1 và Điểm 2 Khoản 2 Điều 837, Điều 824.2, Điều 843, Điều 864.2 Luật Dân sự và đoạn 3 Điểm 2(a) Khoản 1 Điều 2 Luật Tố tụng gia đình).
· “Xác nhận con” là việc cha đẻ hoặc mẹ đẻ công nhận con ngoài giá thú là con ruột của mình. Nếu có sự xác nhận, thông thường mối quan hệ cha con hoặc quan hệ mẹ con về mặt pháp lý sẽ được phát sinh, và việc xác nhận có hiệu lực hồi tố vào thời điểm đứa trẻ ra đời (tham khảo phần trước Khoản 1 Điều 855, nội dung chính Điều 860 Luật Dân sự).
- Nếu thỏa thuận của cha mẹ về việc cấp dưỡng nuôi con đi ngược lại với phúc lợi của con, Tòa án Gia đình có thể ra lệnh sửa chữa bằng thẩm quyền để quyết định các nội dung cần thiết cho việc nuôi dạy con sau khi cân nhắc đến cảm nghĩ, độ tuổi của con, tình hình tài sản của cha mẹ và các trường hợp khác (Khoản 3 Điều 837 Luật Dân sự).
Yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con khi không đạt được thỏa thuận
- Khi không có hoặc không thể đạt được thỏa thuận giữa cha mẹ về tiền cấp dưỡng nuôi con, có thể yêu cầu Tóa án Gia đình và Tòa án Gia đình có thể dùng thẩm quyền để đưa ra các quyết định về tiền cấp dưỡng nuôi con. Trong trường này, Tòa án Gia đình phải cân nhắc đến cảm nghĩ, độ tuổi của con, tình hình tài sản của cha mẹ và các trường hợp khác (Khoản 4 Điều 837 Luật Dân sự).
- Khi công nhận tính cần thiết đặc biệt của việc yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên, Tòa án Gia đình có thể dùng thẩm quyền hoặc căn cứ vào đơn yêu cầu của bên liên quan để yêu cầu các bên nộp danh sách tài sản để làm rõ và chi tiết tình trạng tài sản (Khoản 1 Điều 48.2 Luật Tố tụng gia đình).
※ Phạt tiền tối đa 10 triệu won nếu người được yêu cầu ghi rõ tài sản theo nội dung trên từ chối nộp danh sách tài sản hoặc nộp danh sách tài sản gian dối mà không có lý do chính đáng (Điều 67.3 Luật Tố tụng gia đình).
- Nếu nhận thấy rằng khó giải quyết vụ yêu cầu tiền cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên chỉ với danh sách tài sản được nộp theo thủ tục xác định tài sản, Tòa án Gia đình có thể dùng thẩm quyền hoặc căn cứ vào đơn yêu cầu của bên liên quan để kiểm tra tài sản đứng tên của các bên liên quan qua các cơ quan, tổ chức tài chính, đoàn thể v.v. quản lý mạng liên quan đến tài sản và tín dụng của cá nhân (Khoản 1, Khoản 2 Điều 48.3 Luật Tố tụng gia đình và Khoản 1 Điều 74 Luật Thi hành án dân sự).
※ Phạt tiền tối đa 10 triệu won nếu người đứng đầu cơ quan, đoàn thể từ chối nộp tài liệu hoặc nộp tài liệu gian dối khi nhận được yêu cầu kiểm tra tài sản theo nội dung trên mà không có lý do chính đáng (Điều 67.4 Luật Tố tụng gia đình).
Thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con
- Khi xét thấy sự cần thiết vì lợi ích của trẻ, Tòa án Gia đình có thể dùng thẩm quyền hoặc căn cứ vào yêu cầu của cha, mẹ, con và công tố viên để thay đổi các nội dung liên quan đến mức cấp dưỡng nuôi con (Khoản 5 Điều 837 Luật Dân sự).