VIETNAMESE

Tiền cấp dưỡng nuôi con
Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con của cha mẹ
※ Phạm vi thông tin pháp lý được cung cấp trong nội dung này
Nội dung này cung cấp các thông tin pháp lý về việc đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con để cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi con chưa thành niên (chủ nợ tiền cấp dưỡng nuôi con) có thể thuận lợi nhận được tiền cấp dưỡng từ cha hoặc mẹ không nuôi con chưa thành niên (người nợ cấp dưỡng nuôi con).
Trách nhiệm cấp dưỡng cho con chưa thành niên
- Bất kể tình trạng hôn nhân như thế nào, có được giao hay không được giao nhiệm vụ nuôi dạy con cái, cha hoặc mẹ phải tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển của con chưa thành niên trong mọi lĩnh vực của cuộc sống như cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, giáo dục và y tế để trẻ chưa thành niên có thể phát triển một cách lành mạnh (Khoản 1 Điều 3 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con).
- Cha mẹ cùng chịu trách nhiệm nuôi dạy con cái và về nguyên tắc, cha mẹ phải cùng nhau chịu chi phí nuôi con (Tham khảo Phán quyết số 2019 Meu 15302 của Tòa án Tối cao ngày 15.04.2020).
Khái niệm và nghĩa vụ chi trả tiền cấp dưỡng nuôi con
- “Tiền cấp dưỡng nuôi con” là các chi phí cần thiết để bảo vệ và nuôi dạy con chưa thành niên dưới 19 tuổi (Điểm 1 Điều 2 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con và Điều 4 Luật Dân sự).
- Cha, mẹ không nuôi con phải chi trả một cách trung thực khoản tiền cấp dưỡng nuôi con cho chủ nợ tiền cấp dưỡng nuôi con, khoản tiền này được xác định theo thỏa thuận với cha, mẹ nuôi con hoặc theo phán quyết của Tòa án (Nội dung chính Khoản 2 Điều 3 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con).
· “Cha, mẹ không nuôi con” là cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi dạy con chưa thành niên, “cha mẹ nuôi con” là cha hoặc mẹ trực tiếp nuôi dạy con chưa thành niên (Điểm 3 và Điểm 4 Điều 2 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con).
- Tuy nhiên, trong trường hợp cha, mẹ không nuôi con chưa thành niên không có khả năng chu cấp, cha mẹ của cha, mẹ không nuôi con phải chi trả tiền cấp dưỡng nuôi con cho chủ nợ tiền cấp dưỡng nuôi con (Quy định Khoản 2 Điều 3 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con).
· “Chủ nợ tiền cấp dưỡng nuôi con” là người có thể yêu cầu thi hành chi trả khoản nợ tiền cấp dưỡng nuôi con với tư cách là người đang thực sự nuôi dạy con chưa thành niên, chẳng hạn như cha, mẹ hoặc người đại diện hợp pháp v.v. được chỉ định là người nuôi dạy con (Điểm 5 Điều 2 Luật Đảm bảo thi hành và hỗ trợ cấp dưỡng nuôi con).
Q. Có thể yêu cầu chi trả khoản cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ được không?
A. Về nguyên tắc, nếu chỉ có một trong hai người cha hoặc mẹ nuôi dưỡng con, có thể yêu cầu chi trả khoản cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ.
-Vì lý do nào đó, trong trường hợp chỉ có một trong hai người là cha hoặc mẹ nuôi dạy con, ngoại trừ những trường hợp đặc biệt như việc nuôi dạy con một mình xuất phát từ động cơ đơn phương, ích kỷ của người nuôi dạy đó, hoặc không có lợi cho lợi ích của con, hoặc việc tạo gánh nặng cấp dưỡng lên người còn lại là không công bằng v.v., người một mình nuôi dạy con đương nhiên có thể yêu cầu đối phương chia sẻ một phần cấp dưỡng nuôi con ở mức phù hợp cho thời điểm hiện tại và trong tương lai. Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, nghĩa vụ nuôi dạy con của cha mẹ phát sinh ngay từ thời điểm con chào đời nên khoản tiền cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ có thể được yêu cầu chi trả nếu được đối phương công nhận là phù hợp (Phán quyết số 2008 Reu 543 của Tòa án Gia đình Seoul ngày 16.05.2008Quyết định của Hội đồng toàn thể Thẩm phán số 92 Seu 21 của Tòa án Tối cao ngày 13.05.1994).
-Ngoài ra, không có việc hết thời hiệu đối với tiền cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ. Quyền yêu cầu đối phương, người cũng có nghĩa vụ nuôi dạy con, chi trả tiền cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ của người đã nuôi dưỡng con khi chưa thành niên ban đầu là tình trạng pháp lý trừu tượng được công nhận dựa trên mối quan hệ gia đình, sau này mang tính chất quyền lợi về mặt tài sản độc lập một cách rõ ràng hơn từ việc được chuyển thành quyền yêu cầu cụ thể theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quyết định xét xử của Tòa án Gia đình, quy định về việc hình thành, xác định các nội dung về tiền cấp dưỡng nuôi con có liên quan. Do đó, trước khi được xác lập là quyền yêu cầu chi trả cụ thể theo thỏa thuận giữa các bên hoặc theo quyết định xét xử của Tòa án Gia đình, quyền liên quan đến tiền cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ không thể được cho là tương ứng với quyền tài sản mà người nuôi dạy con có thể được thực hiện, nên không có việc hết thời hiệu (Quyết định số 2010 Seu 85 của Tòa án Tối cao ngày 16.08.2011).
-Mặt khác, nghĩa vụ chi trả tiền cấp dưỡng nuôi con chưa được nhận trong quá khứ chỉ là một tình trạng hoặc nghĩa vụ pháp lý trừu tượng chưa được chuyển thành nghĩa vụ mang tính tài sản cụ thể nên không thể được thừa kế (Quyết định số 2016 Beu 30088 của Tòa án Gia đình Seoul ngày 22.01.2018).